Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Joseph Brodsky - ĐỜI VÀ THƠ

 

Joseph Brodsky (24 tháng 5 năm 1940 – 28 tháng 1 năm 1996) – nhà thơ Nga, nhà thơ Mỹ đoạt giải Nobel Văn học năm 1987 “vì sự sáng tạo mang tính khái quát được nuôi dưỡng bằng những ý tưởng rõ ràng và sức mạnh của thơ ca”. Brodsky đã sáng tạo nên một thế giới thơ ca độc đáo được thể hiện bằng những quan niệm của nghệ thuật hậu hiện đại. Các nhà phê bình coi ông “là người tổng kết thơ ca thế kỷ XX”. Đôi khi người ta cũng gọi Brodsky là nhà thơ cuối cùng của Thế kỷ bạc trong thơ Nga. Tiếp bước những bậc tiền bối của Thế kỷ vàng, ông đã tạo nên một ngôn ngữ thơ của riêng mình xuất phát từ tầng sâu của sự nhận thức.
 
Tiểu sử
Brodsky sinh ngày 24-5-1940 tại Leningrad (nay là Saint Petersburg). Cuộc đời của nhà thơ này từ nhỏ đã có những chi tiết thú vị. Thời thơ ấu Brodsky sống trong một căn hộ nhỏ của ngôi nhà mà trước cách mạng tháng Mười đã từng sống hai nhà thơ Nga sau đó cũng ra sống ở nước ngoài: Merezhkovsky và Zinaida Gippius. Học ở trường phổ thông mà ngày trước Afred Nobel đã từng học và năm 1987 được trao giải Nobel…

Thuở nhỏ Brodsky mơ ước trở thành bác sĩ nhưng 15 tuổi đã phải nghỉ học vì mưu sinh. Ông đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống: thợ phay, nhân viên nhà xác, giúp việc các đoàn địa chất, thợ đốt lò, gác hải đăng... Sau đó, tự học tiếng Anh, tiếng Ba Lan, nghiên cứu truyền thuyết, tôn giáo và triết học; 16 tuổi bắt đầu làm thơ; 17 tuổi hoàn thành tập thơ nổi tiếng Vĩnh biệt, hãy quên, đừng trách cứ gì nhau... và được công nhận là một nhà thơ, một dịch giả tài năng. Năm 1963 Brodsky bị kết tội “ăn bám xã hội” và gửi đi cải tạo 5 năm ở miền bắc Nga. Nhờ sự phản đối của các nhà văn trong và ngoài nước hai năm sau ông được trở về Leningrad. Năm 1972, ông lại bị trục xuất, phải sang Vienna, London và cuối cùng là Hoa Kỳ. Từ đây, Brodsky sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh.
 

Lời khai trước tòa của Brodsky:
Dưới đây là những câu hỏi và lời khai của Brodsky trước Tòa về tội “ăn bám”. Những lời này được thư ký của phiên tòa ghi lại và sau đó được phổ biến trong những bài viết in ngoài luồng (samizdat).

Tòa: Thâm niên lao động của anh là bao nhiêu?
Brodsky: Khoảng chừng…
Tòa: Chúng tôi không cần "khoảng chừng"!
Brodsky: Năm năm.
Tòa: Anh làm việc ở đâu?
Brodsky: Ở nhà máy. Ở các nhóm địa chất…
Tòa: Anh làm ở nhà máy bao nhiêu lâu?
Brodsky: Một năm.
Tòa: Làm nghề gì?
Brodsky: Thợ phay.
Tòa: Thế nói chung nghề chuyên môn của anh là gì?
Brodsky: Nhà thơ, nhà thơ – dịch giả.
Tòa: Ai thừa nhận anh là nhà thơ? Ai xếp anh vào hàng ngũ các nhà thơ?
Brodsky: Không ai cả. Thế ai xếp tôi vào giống người?
Tòa: Thế anh có học cái đó không?
Brodsky: Cái gì?
Tòa: Cái nghề làm thơ ấy? Anh đã không cố gắng học hết đại học… nơi người ta dạy…
Brodsky: Tôi không nghĩ… tôi không nghĩ là học vấn mang lại điều này.
Tòa: Thế thì cái gì?
Brodsky: Tôi nghĩ… đó là (thất vọng) do trời phú…
Tòa: Anh có yêu cầu gì với Tòa không?
Brodsky: Tôi muốn được biết tôi bị bắt vì tội gì?
Tòa: Đấy là câu hỏi chứ không phải yêu cầu.
Brodsky: Thế thì tôi chả có yêu cầu gì cả.
 
Trong một bài phỏng vấn, Brodsky gọi đấy là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mình. Chính thời gian này ông đi sâu tìm hiểu về thơ ca Anh.

Năm 1977, Brodsky nhập quốc tịch Mỹ và làm giáo sư văn học cho trường Cao đẳng Five College ở Mount Holyoke, bang Massachusetts. Năm 1978, Đại học Yale trao cho Brodsky bằng tiến sĩ văn học danh dự. Năm 1979, ông trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật - Văn chương Mỹ. Năm 1981, ông được Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm thiên tài. Năm 1986, cuốn tiểu luận về nghệ thuật và chính trị Ít hơn một của ông được giải thưởng của Nhóm các nhà phê bình sách Quốc gia (Mỹ).

Joseph Brodsky mất ở Mỹ ngày 28-01-1996 tại nhà riêng vì căn bệnh nhồi máu cơ tim. Hai tuần trước khi chết nhà thơ đã mua đất trong nghĩa trang ở New York, gần Broadway. Ông được chôn ở đó. Tháng 6 năm 1997, thi hài của ông được cải táng về nghĩa trang San Michele ở Venezia, Italia. Trên bia mộ có dòng chữ bằng tiếng Latinh của nhà thơ Sextus Propertius thời La Mã cổ đại: Letum non omnia finit — Chết không phải là hết.
 
Tác phẩm
- Vĩnh biệt, hãy quên, đừng trách cứ gì nhau... (Прощай, позабудь и не обессудь, 1957), thơ.
- Khúc bi ca lớn gửi Donne John (Большая элегия Джону Донну, 1963).
- Thơ và trường ca (Стихотворения и поэмы, 1965), thơ.
- Trạm dừng trong sa mạc (Остановка в пустыне, 1970), thơ.
- Kết thúc thời tốt đẹp. Thơ những năm 1964-71 (Конец прекрасной эпохи. Стихотворения 1964-71, 1977), thơ.
- Một phần của lời nói. Thơ những năm 1972-76 (Часть речи. Стихотворения 1972-76, 1980), thơ và bài viết.
- Những khúc bi ca La Mã (Римские элегии, 1982), thơ.
- Những bài tứ tuyệt mới gửi Augusta (Новые стансы к Августе, 1983), thơ.
- Сẩm thạch (Мрамор, 1984), kịch.
- Ít hơn một (Меньше одиницы, 1986), tiểu luận.
- Lịch sử thế kỉ hai mươi (History of the twentieth century, 1986), thơ.
- Urania (Урания, 1988), thơ.
- Bút kí dương xỉ (Заметки папоротника, 1990).
- Trên các nẻo Atlantida (На околицах Атлантиды, 1992).
- Bờ sông của những kẻ vô phương cứu chữa (Набережная неисцелимых, 1992), thơ.
- Hoa văn mờ trên giấy (Watermark, 1992), tiểu luận.
- Nỗi đau và lí trí (Скорбь и разум, 1995), tiểu luận.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Brodsky trả lời phỏng vấn

  BROSKY TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA B Á O MOSKOVSKIE NOVOSTI ( TIN TỨC MOSKVA 7-1995)   Ph ó ng vi ê n th ư ờng tr ú của b á o “...